“Lướt vài trang của thiên bút ký phóng sự Hà Nội băm sáu phố phường tôi lại nhớ những ngày thơ bé cùng mấy đứa bạn thân lên Tràng Tiền ăn kem rồi lượn lên Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Đường ngắm nghía biết bao những hàng hóa đẹp đẽ lóng lánh, những xấp lụa đủ màu, những hũ ô mai thơm lừng…
Hà nội xưa hiện lên trong bút ký với các góc độ khác nhau. Từ những biểu tượng của các cửa hàng đến slogan cửa hàng viết bằng tiếng Pháp. Từ những phố lớn nhà cửa thẳng tắp văn minh đến những con ngõ nhỏ xinh có các cô hàng thùy mị, thầy tú dạy học… Một trong những phần tôi thích nhất là Quà Hà nội. Thôi thì không thiếu thứ gì: nào là hàng rong ăn sáng : bánh rán ăn óng, bánh cuốn ăn với chả, xôi đậu, xôi lạc… chỉ đọc thôi cũng nhớ những sáng đi học mẹ mua cho một túm xôi gói trong lá sen thơm dịu dàng… Rồi đến món đệ nhất của Hà nội : phở…Thạch Lam ưu ái món phở, những câu văn tả về phở nghe ấm áp, thơm lừng những hành, tiêu, nước dùng, lại có cả tinh dầu cà cuống “”thoảng nhẹ như 1 nghi ngờ””; đầy màu sắc : xanh của hành, trắng của bánh phở, thịt gà vàng ươm… nghe tả ta đã muốn sà vào 1 hàng phở nào đó mà ăn cho đỡ ghiền…
Còn điều tôi yêu nhất là Tết. Từ ngày 29, 30 đến tận mùng 7. Những ngày cuối năm bận rộn dọn dẹp, sắm sửa, trồng nêu, gói bánh chưng, soạn giò thủy tiên, rồi đến ngày 30 làm cỗ cúng tất niên… thức đón giao thừa…tất cả cứ như một thước phim bàng bạc màu xưa cũ chiếu chầm chậm. Một không khí náo nức mong chờ khoảnh khắc giao thừa….? Mồng 1 đến mồng 7 là xông nhà, chúc tết, mừng tuổi… sao mà nhớ thời thơ bé được ba mẹ mừng tuổi, cả nhà ngôi chơi tam cúc chờ giao thừa…. ôi nhớ quá. P/s: Đọc cuốn này xong là chỉ mong Hà Nội mau hết giãn cách để đi ăn hết những món ngon Hà Nội ”