“Thiên táng là gì? Liệu nó có đáng sợ hay không? Còn tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Hẳn sẽ không ít người cảm thấy nó thật man rợ nếu chỉ được nghe kể, nhưng nếu nhìn dưới con mắt của người Tây Tạng, nghe họ giải thích về nó, liệu cảm xúc của bạn có còn giữ vững như ban đầu? Cuốn sách kể về cuộc hành trình của cô gái trẻ, với một tình yêu sâu đậm, rời xa gia đình êm ấm để đi tìm lời giải cho cái chết bí hiểm của người chồng mà cô hết mực yêu thương, để rồi từ đó tạo nên một cuộc đời phi thường.
Thiên táng không dài, cuộc hành trình kéo dài 30 năm của Thư Văn, gói gọn chỉ trong 9 chương. Giọng văn ngắn gọn, không cầu kì, hoa mỹ. Đời thường, mộc mạc. Hình ảnh về một Tây Tạng còn sơ khai hiện lên với tình yêu thiên nhiên, những tập tục, lối sống, tín ngưỡng và thờ cúng của họ. Một Tây Tạng hiện lên vừa chân thật, vừa kì ảo, vừa thân thuộc, vừa xa lạ, vừa khiến người ta khiếp sợ, lại khiến người ta không nguôi mong mỏi muốn khám phá một lần. Mình rất thích cách biên tập khi xưng hô “cô – chị – bà” qua từng chương, cho thấy từng giai đoạn trưởng thành của Thư Văn.
Một cuốn sách không chỉ nói về tình yêu, mà còn về tình cảm gia đình, tình bạn, về tự do, về sự sống và cái chết. Và hơn hết thảy là sự kiên cường của con người. Bi nhưng không lụy, nỗi đau thương cũng không ào ào, cuồn cuộn, ập đến ngay lập tức mà len lỏi qua từng câu chữ, sau từng chương, và nước mắt mình cứ chảy dài hết lần này đến lần khác. “đừng buồn. sống ở đời cứ sống từng ngày một, rồi thì ngày này ngày khác sẽ qua nhanh thôi”. Cuốn sách khép lại với nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bởi vì, Thư Văn đã bỏ đi trước khi giải đáp tất cả thắc mắc của Hân Nhiên. Bà đã đi đâu. Liệu bà sẽ quay trở lại Tây Tạng – nơi bà đã gắn bó nửa kiếp người, hay ở lại Trung Quốc, can đảm bắt đầu một cuộc đời mới.”