Hôm nay mình muốn chia sẻ với mọi người về cuốn sách Vũ trụ của tác giả Carl Sagan.
Những ngày qua tình hình dịch bệnh thật căng thẳng và ảm đạm. Mình chỉ muốn trốn vào một góc nào đó để tạm gạt bỏ những muộn phiền lo lắng. Và điều ấy đã trở thành sự thật khi mình lạc vào Vũ trụ có trật tự-một vũ trụ diệu kỳ siêu thực đang bao bọc những con người nhỏ bé chúng ta.
Tuy đang đọc một quyển sách thuộc dòng non-fic về chủ đề thiên văn học lạ lẫm nhưng mình lại cảm thấy như bị hút vào một thiên tiểu thuyết để rồi chu vu khắp vũ trụ bao la. Mình thoát ra khỏi bầu khí quyển của Trái Đất, ghé thăm “người bạn nhỏ thân quen” Mặt Trăng của chúng ta. Mình tò mò chạy quanh các miệng hố hình phễu, tinh nghịch nhặt một hòn đá trên bề mặt Mặt
Trăng lên ngắm nghía, cố để tìm ra điểm giống nhau so với đất đá ở quê nhà. Ngòi bút của Carl Sagan tiếp tục đưa mình phóng xa hơn, sâu hơn vào mảng không gian vô tận. Mình đáp chân xuống sao Hỏa để rồi suýt xoa vì cái lạnh cắt da. Mình tặc lưỡi lắc đầu trước những đám mây đậm đặc axit đang nuốt chửng sao Kim. Đây quả thực là một hành trình đáng nhớ.
Về lại Trái Đất, mình say sưa ngồi sưởi ấm bên đống lửa, thỉnh thoảng ngước mặt lên trời ngắm nhìn các vì sao trong khi nghe tác giả thỏ thẻ về quá khứ hình thành nền văn minh của nhân loại. Mình trầm trồ trước những tên tuổi vĩ đại, những bậc vĩ nhân với niềm say mê khoa học, thiên văn đã dành cả cuộc đời để khám phá vũ trụ.
Không những mang đến cho mình một chiếc vé du hành Vũ trụ, cuốn sách còn là nguồn cảm hứng và động lực để mình tìm hiểu thêm nhiều nguồn kiến thức. Mỗi khi bắt gặp một cái tên xa lạ nhưng hấp dẫn đâu đó trên những dòng chữ, M31 hoặc pulsar chẳng hạn, mình đã bắt lấy điện thoại ngay lập tức để “search” và đọc mọi thông tin về chúng cho đến khi tri thức lấp đầy cơn đói tò mò của não bộ. Mình cũng bị thôi thúc phải nhìn cho bằng được hình ảnh của vệ tinh Titan, của thiên hà Ngân Hà để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì ảo của chúng. Cuốn sách đã vô tình đốt cháy một ngọn lửa khát khao trong mình: khát khao được biết.
Càng về những chương cuối, cuốn sách lại vô tình gieo rắc cho mình một nỗi sợ, một sự tò mò và một niềm háo hức. Ý chí của mình bị lung lay bởi một tư tưởng “Liệu rằng trong Vũ trụ bao la này, có những nền văn minh khác cũng đang ngự trị trên các hành tinh?”. Trong phút chốc, mình đã sợ hãy khi tưởng tượng viễn cảnh một cuộc đụng độ giữa nền văn minh nhân loại với một nền văn minh đến từ một vì sao xa xôi. Nhưng có lúc mình lại tò mò không biết nền văn minh ấy (nếu có) sẽ như thế nào. Mình háo hức trông chờ vào một ngày không xa, con người sẽ truyền đi tín hiệu và nhận lại hồi âm từ “những người bạn mới”.
Mặc dù Carl Sagan viết cuốn sách vào những năm 1979-1980, thời điểm mà những thông tin cũng như những sự kiện về thiên văn còn khá ít và không mang tính vượt trội như ngày nay, nhưng lượng thông tin mà cuốn sách mang lại thật sự rất thú vị và hữu ích. Nói không ngoa, mình cảm thấy bản thân đã “thông thái” hơn mình của trước đây sau khi đã đọc cuốn sách này.