Tôi nhớ có lần nghe Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ về cảnh đầu tiên trong Đập Cánh Giữa Không Trung. Cô nói mặc dù tên phim liên quan tới không trung nhưng cảnh đầu ấy lại là dưới mặt nước, bởi vì bộ phim này xoay quanh nữ giới. Nữ là âm mà nước cũng là âm. Hình ảnh về nước hướng người ta nghĩ tới phần nữ tính nội tại. Một sự so sánh đơn giản thế thôi mà tôi nhớ mãi.
Còn đối với Sóng của Xuân Quỳnh, tôi lại ít nhớ tới hơn, vì tôi đã cách xa những năm tháng cấp ba. Nhưng gần đây thì tôi nhớ lại rồi. Sóng là một bài thơ sử dụng rất nhiều các vế đối xứng và so sánh.
Sóng là nước bị gió thổi đi. Em chính là nước, là phần âm, là dấu nhu của tạo hoá. Anh thì ngược lại, chính là phần trên mặt nước, là phần dương, là dấu cương để hoàn thiện quy luật của tạo hoá.
Sóng trên mặt nước mà người ta nhìn thấy là em, sóng ngầm dưới sâu không ai biết cũng là em. Nơi biển lớn, những con sóng ấy cũng chỉ biết bồi hồi khao khát mà thôi. Tất cả mọi câu hỏi giữa muôn trùng sóng bể, em đều không biết trả lời hoặc không dám trả lời. Cho nên, nếu được hỏi, em chỉ có thể nhẹ nhàng đáp rằng “Em cũng không biết nữa”. Hờn dỗi và dịu dàng, dữ dội và dịu êm y như những cơn sóng nhớ bờ.
Và thực ra là chỉ riêng hình ảnh con sóng cũng đã cho thấy vẻ đẹp nữ tính mềm mại trong tính cách Xuân Quỳnh, trong thơ Xuân Quỳnh rồi. Cứ nghe những câu thơ ấy đi, chúng ta đều sẽ cảm nhận được phần nữ tính trong đó thôi.
Cre: Lauriel Lori